Bỏ qua nội dung

Làm sao đuổi cổ được những gã dê xồm???

27/09/2011

Một trong những điều mà phụ nữ  hay gặp nhất sau ly hôn là sự dòm dỏ của những người đàn ông, và hơn thế nữa là sự xem thường, coi đó như chỗ để họ trút tất cả những lời bậy bạ, thú tiêu khiển bệnh hoạn nhất của mình.

H.L kể : sau khi ly hôn, một hôm mới sáng sớm ông Phó giám đốc cơ quan chị đang ngồi uống trà với vài ông trưởng, phó phòng khác trong cơ quan đột nhiên vẫy chị lại bảo: Lại đây anh hỏi chút nè ! Tưởng cấp trên có chuyện gì quan trọng, chị H.L bước lại, đến gần thì ông phó giám đốc cười nham nhở bảo rằng :  Mấy  anh hỏi em xem dạo này em có hay nhổ lông nách không !

Hỏi rồi cười ồ với nhau rất đắc chí !

Chị H.L tức nghẹn người, bèn phản pháo một câu : Em cứ tưởng đâu mấy trò này quân đầu đường xó chợ mới hỏi thế này chứ, ai dè mấy anh toàn người có học có chức có tước mà lại hỏi thế à?

Lúc này ông Phó giám đốc mới vội vàng chữa thẹn rằng : Không phải anh, là anh Thắng- chỉ một ông khác- thắc mắc vậy! Mà thôi giỡn chút thôi chứ không có gì đâu nha!

Làm sao có thể coi câu hỏi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng phụ nữ như vậy là không có gì chứ?  Tư cách của những kẻ cợt nhả như thế, lại ngay trong cơ quan chứ không phải nơi vỉa hè chẳng bàn làm gì, nhưng với bản thân người bị hỏi câu ấy thì không chỉ là sự tức giận !

Khổ hơn nữa, ông Phó giám đốc hỏi câu ấy, sau này lên Gíam đốc lại không cho rằng mình sai mà lại để bụng thâm thù cái câu phản pháo của chị H.L, gây khó dễ không ít cho chị này !

G.Đ, một phụ nữ khác cũng ly hôn thì kể :  Câu hỏi thường xuyên mà chị hay nghe cánh đồng nghiệp nam hay hỏi với thái độ ỡm ờ, cười cợt là : Có cần anh giúp đỡ gì không? Khi hỏi thì bao giờ họ cũng nhấn mạnh 2 từ “ giúp đỡ”. Hoặc họ tranh thủ bất cứ câu nói nào của chị để thòng vào đấy những lời ỡm ờ, chẳng hạn như khi cùng bàn luận với nhau rằng trời lạnh quá, thì họ tranh thủ xỉa với chị một câu rằng: Cô lạnh là đúng rồi- kèm theo đó cái nháy mắt , thậm chí có người còn trơ tráo : Anh ấm lắm, trên 37 độ đó !

Có người thô bỉ hơn thường mượn rượu buông những câu như: bỏ chồng lâu vậy có nhớ chuyện kia không? Hoặc: có cải thiện gì không? Nếu có đừng quên anh nha….

Hoặc nhiều kẻ thô bỉ hơn thường tự ý đến chơi nhà, thậm chí khuya khoắt rồi cũng đến gõ cửa nhà…

Trong mắt nhiều người đàn ông, phụ nữ đã ly hôn chắc phải thèm khát đàn ông lắm, có thể kéo lên giường bất cứ lúc nào; là người có thể buông lời chớt nhả, có thể thả dê thoải mái…

Chống chọi với những người này quả thực rất mệt ! Mệt nhưng không phải là không chống được !

Những kẻ đi buông lời chòng ghẹo những người phụ nữ ly hôn thường là hạng không ra gì, cho nên tốt nhất với những hạng này đừng bao giờ nói chuyện cùng, trong trường hợp vì công việc thì chỉ trao đổi trong giới hạn công việc. Cũng nên tránh có những phản ứng mạnh như trường hợp chị H.L, bởi kẻ đã không ra gì mà có tí quyền thì sẽ luôn tìm cách trả thù bạn đấy ! Với những kẻ này tốt nhất không đáp lời và đừng bao giờ nở một nụ cười nào với họ !

Để tránh phải nhận những thái độ thiếu tôn trọng ấy, phụ nữ sau ly hôn nên đặt ra những nguyên tắc cho riêng mình, chẳng hạn như: không tham gia những cuộc trò chuyện tán phét vô thưởng vô phạt mà trong cuộc nói chuyện đó có những gã đàn ông không đàng hoàng; không bao giờ tham gia vào những buổi tiệc tùng quá đông người, nếu bắt buộc phải tham dự nên chọn bàn chỉ có phụ nữ ngồi cùng, tuyệt đối không cụng ly với bất cứ gã đàn ông nào, không uống tí rượu bia nào, nên ra về sớm và từ chối bất cứ lời đề nghị đưa về nào của một gã đàn ông vừa mới biết hoặc biết kẻ đó hay cợt nhả , tuyệt đối không tiếp bất cứ khách đàn ông nào tại nhà riêng của mình( trừ những người thân thích, ruột thịt.)

Hầu hết những người phụ nữ mới ly hôn đều gặp những trường hợp này. Những thái độ thiếu tôn trọng, thiếu văn hóa đó đeo bám theo bàn nhiều hay ít, lâu hay chóng tùy thuộc vào cách ứng xử của bạn. Khi đã loại bỏ được những rác rưởi kiểu này, bạn sẽ bước những bước thong thả hơn trên còn đường mà mình đã chọn.

No comments yet

Bình luận về bài viết này